Trong nghiên cứu xuất bản năm 1983, Douglas Diamond và Phillip Dybvig đã đưa ra một mô hình toán học để làm rõ tầm quan trọng của ngân hàng trong nền kinh tế. Mô hình này sau này được gọi tắt là mô hình Diamond-Dybvig.
Trong mô hình Diamond – Dybvig, ngân hàng hoạt động qua việc thu hút tiền gửi và cho vay/đầu tư. Với các nghiệp vụ này, ngân hàng giúp giải quyết hai vấn đề quan trọng trong nền kinh tế: (i) đảm bảo tính thanh khoản; (ii) cung ứng vốn thông qua hỗ trợ vay, đặc biệt là đối với các hạng mục đầu tư phức tạp, thanh khoản thấp qua việc giải quyết các vấn đề liên quan tới bất đối xứng thông tin và việc thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro.
Nếu không có ngân hàng, hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế buộc phải tự bảo quản phần tiền mặt thuộc sở hữu của mình. Điều đó không chỉ chứa đựng nhiều rủi ro và phát sinh thêm chi phí, mà còn là khó khăn không nhỏ khi cần huy động tài chính cho những khoản chi tiêu lớn hoặc đột xuất. Tương tự, khi trực tiếp thực hiện cho vay/đầu tư, các cá nhân và tổ chức vừa gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chủ thể có nhu cầu về vốn phù hợp với nhu cầu cho vay, vừa gặp khó khăn trong việc ra quyết định liên quan đến các dự án đầu tư đòi hỏi kiến thức chuyên môn đặc thù. Đây là khó khăn, nếu không muốn nói là gần như bất khả thi đối với không ít các cá nhân và tổ chức.
Với sự ra đời và hoạt động hiệu quả của hệ thống ngân hàng thương mại, các định chế tài chính này đồng thời cung cấp thanh khoản cho người gửi và thực hiện việc cho vay, đầu tư ở quy mô đủ lớn, đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động này. Các cá nhân, tổ chức khi thừa hay thiếu vốn cũng dễ dàng xác định được họ cần đến đâu để được đáp ứng nhu cầu.
Vì tính chất đặc biệt nêu trên của ngân hàng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều hình thành hệ thống ngân hàng từ rất sớm. Sự phát triển của hệ thống ngân hàng luôn luôn song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Thông qua mô hình của mình, Diamond và Dybig còn chứng minh được rằng, vai trò và hoạt động của ngân hàng mặc dù rất quan trọng, nhưng lại cũng chính là điểm yếu của bản thân hệ thống. Đối với một ngân hàng bất kỳ, tỷ trọng không nhỏ tài sản được thể hiện thành các khoản vay và đầu tư dài hạn, trong khi đa số nợ sẽ là tiền gửi của khách hàng.
Tiền gửi là tiền do các cá nhân và tổ chức gửi tại ngân hàng, có thể có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn. Tuy nhiên, điểm khác biệt mấu chốt khi so sánh với hoạt động cho vay hay đầu tư, là tiền gửi có thể được rút ra đầy đủ bất kỳ lúc nào mà không cần có lý do gì đặc biệt. Còn với các khoản ngân hàng cho vay hay đầu tư, việc thu hồi sớm thường sẽ phải chịu những khoản phạt lớn, lên tới 50-70% hoặc cao hơn.
Như vậy, ngân hàng chịu hai rủi ro cơ bản.
Thứ nhất, rủi ro thanh toán đến từ việc các khoản cho vay/đầu tư không đạt được kỳ vọng. Điều này sẽ khiến tài sản của ngân hàng mất đi giá trị, phá vỡ khả năng thanh toán nợ và buộc ngân hàng phải phá sản.
Thứ hai, rủi ro thanh khoản đến từ hiện tượng đột biến rút tiền gửi. Điều này sẽ khiến ngân hàng buộc phải tuyên bố phá sản kỹ thuật (không đủ thanh khoản để chi trả cho người rút tiền gửi), hoặc phải bán tháo tài sản với giá rẻ. Tuy nhiên, ngay khi bán tháo tài sản với giá rẻ, như Diamond – Dybvig đã chứng minh, người gửi sẽ lấy đó làm tín hiệu xấu để gia tăng việc rút tiền khỏi ngân hàng, buộc ngân hàng phải tiếp tục bán tháo tài sản cho tới khi phá sản hoàn toàn.
(sưu tầm từ VnEconomy)