Đầu tư mạo hiểm là thuật ngữ đã xuất hiện từ lâu và không còn xa lạ đối với nhiều người, thế nhưng cho đến hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa chung cho thuật ngữ này. Khái niệm đầu tư mạo hiểm có sự khác nhau giữa các khu vực trên thế giới do đặc thù kinh doanh của từng khu vực.
Về mặt ngữ nghĩa, đầu tư mạo hiểm (Tiếng Anh: Venture Capital) được hiểu là một hành vi dám chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, “Venture” cũng được hiểu là một hành vi đầu tư dưới các hình thức của đầu tư trực tiếp. Sở dĩ loại hình đầu tư này được gọi với cái tên đầu tư mạo hiểm là để phân biệt với các hoạt động đầu tư trực tiếp thông thường, hơn nữa, tên gọi này cũng có mục đích nhấn mạnh mức độ rủi ro cao hơn mà các nhà đầu tư phải chấp nhận khi tiến hành đầu tư.
Về mặt kinh tế học, đầu tư mạo hiểm là thuật ngữ thể hiện việc các nhà đầu tư cung cấp vốn cho các dự án khoa học. công nghệ đặc biệt hiện đang trong tình trạng “khát vốn”. Các dự án này thường là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang trong giai đoạn khởi sự, mới thành lập, có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh độc đáo, mới mẻ nhưng chưa có đủ nguồn vốn. Lúc này các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào doanh nghiệp và nhận lại cổ phần hoặc lợi luận nếu doanh nghiệp đó phát triển tốt. Ngược lại, nếu doanh nghiệp kinh doanh thất bại, nhà đầu tư sẽ bị mất đi phần vốn đã “rót” vào doanh nghiệp này. Do đó, đầu tư mạo hiểm có thể được xem là hình thức đầu tư có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao, đồng thời tính rủi ro cũng rất lớn.
Trên thế giới có nhiều quan điểm về đầu tư mạo hiểm, cụ thể như sau:
Tại Châu Á, Ấn Độ coi đầu tư mạo hiểm là hình thức góp vốn cổ phần hoặc các khoản vay có điều kiện để hỗ trợ các công ty chưa niêm yết với độ rủi ro cao hoặc các công ty công nghệ đượcc quản lý bởi các doanh nhân chuyên nghiệp, có trình độ. Tại Trung Quốc, đầu tư mạo hiểm là khoản đầu tư vào các dự án có khả năng tăng trưởng cao, có rủi ro lớn và thường là các hàng công nghệ cao cần vốn để đầu tư phát triển sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng, dưới dạng góp vốn cổ phần thay vì vay nợ.
Tại Châu Âu, ngân hàng Natwest cho rằng: Đầu tư mạo hiểm là khoản vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ hoặc tồn tại chỉ trên giấy tờ, tài trợ cho các ý tưởng mới nhưng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Vốn đầu tư mạo hiểm thường được đầu tư vào các công ty sở hữu tư nhân với nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế.
Hiệp hội đầu tư mạo hiểm của Mỹ cho rằng: Đầu tư mạo hiểm là việc góp vốn vào các công ty mới khởi nghiệp, các doanh nghiệp mới chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán có khả năng tăng trưởng nhanh, sáng tạo và có sự tham gia của công nghệ..
Như vậy, có thể khái quát lại các định nghĩa trên và đưa ra một cách hiểu chung nhất về khái niệm đầu tư mạo hiểm như sau: Đầu tư mạo hiểm là sự kết hợp giữa hai hoạt động là hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Đầu tư mạo hiểm không đơn thuần chỉ là hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mà còn bao gồm các hoạt động khác trong nền kinh tế. Dưới góc độ đầu tư, đầu tư mạo hiểm là quá trình các nhà đầu tư đưa vốn vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mục đích của hoạt động này là nhằm thúc đẩy nhanh chóng quá trình thương mại hoá để có được lợi nhuận cao. Xét trên cả quá trình, đầu tư mạo hiểm có thể hiểu là phương thức đầu tư trong đó Nếu thể hiện cả quá trình thì đầu tư mạo hiểm là một phương thức đầu tư trong đó, nguồn vốn mà các cá nhân giàu có hoặc tổ chức tài chính cung cấp vốn cho các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán có tiềm tăng trưởng cao trong tương lai hoặc các doanh nghiệp khác đang cần vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Sau vài năm nuôi dưỡng, doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán, hợp nhất và chuyển nhượng cổ phần để thu được sự hoàn vốn đầu tư với mức cao.
Gọi là “nguồn vốn mạo hiểm” vì các lý do sau:
Thứ nhất, các công ty được đầu tư không cần một khoản đặt cọc hay ký quỹ nào, việc rót vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm này dựa trên sự tin tưởng của việc tạo dựng thành công doanh nghiệp của người sáng lập và đội ngũ giám đốc công ty.
Thứ hai, các quỹ đầu tư tham gia vào việc kiểm soát, điều hành công ty bằng việc tư vấn ở cấp chiến lược, hướng dẫn, hỗ trợ công ty trong việc quản lý, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường,…Vì vậy, họ có thể gặp rủi ro và bị mất khoản đầu tư nếu công ty bị phá sản. Tuy nhiên, điều này ít xảy ra và họ thường đạt tỷ suất lợi nhuận khá lớn từ 35-50%.